Thanh toán QR phổ biến nhưng đi kèm nhiều rủi ro

Thanh toán không tiền mặt thông qua mã QR dường như đã phổ cập đến mọi nhà, với mức tăng trưởng đều đặn và liên tục, nhưng đi cùng với đó là sự gia tăng của các hình thức lừa đảo, dù người dùng và doanh nghiệp đều có ý thức nâng cao tinh thần cảnh giác.

Thanh toán QR phổ biến nhưng đi kèm nhiều rủi ro

Thanh toán QR tại Việt Nam tăng trưởng mạnh

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, năm 2023, thanh toán bằng phương thức quét QR code tại Việt Nam đạt gần 183 triệu giao dịch, tăng hơn 170% về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm 2022.

Bước sang năm 2024, thanh toán qua QR vẫn giữ mức tăng trưởng rất cao.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong tháng 1.2024, phương thức thanh toán QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị.

Tuy vậy, thanh toán QR càng phát triển thì các hình thức lừa đảo dựa trên hình thức thanh toán này càng gia tăng, dù cho người dùng và doanh nghiệp đều có ý thức nâng cao tinh thần cảnh giác.

Đơn cử, các trường hợp QR của cửa hàng bị dán đè xảy ra ở một vài nơi khiến người mua không để ý quét QR giả mạo và chuyển vào sai tài khoản, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Một hình thức gian lận phổ biến khác là giả hình ảnh đã thanh toán xong, người bán nhìn vào một màn hình giả thông tin đã thanh toán, không kịp kiểm tra lại đã giao hàng cho khách. Hoặc để kiểm tra, khách phải đợi nhân viên mở điện thoại, vào ứng dụng ngân hàng kiểm tra tiền vào tài khoản mới giao hàng. Trong trường hợp cùng lúc hai hoặc ba khách hàng thanh toán, nhân viên sẽ bối rối và mất thời gian để xác định xem số tiền nào là của ai.

Thanh toán không tiền mặt qua mã QR đã phổ biến đến đông đảo người dân nhưng đi cùng với đó là nhiều rủi ro. Ảnh: Đình Đại

Giải pháp

Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác…

Điều đó mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng và trung gian thanh toán sáng tạo các giải pháp thanh toán mới trên nền tảng QR code. Để hạn chế các rủi ro, tránh nguy cơ lừa đảo, các đơn vị đã đầu tư cơ sở hạ tầng, an ninh bảo mật, cũng như làm việc trực tiếp với nhà bán hàng để mang đến những giải pháp chống lại việc dán đè bằng cách dùng các thiết bị điện tử xuất mã QR động khác nhau cho mỗi giao dịch, hoặc hiển thị mã QR ngay trên thiết bị thanh toán POS để khách hàng quét mã chính xác.

Doanh nghiệp cần cân nhắc giữa việc chọn giải pháp rẻ tiền như in QR và dễ bị dán đè lên hay chọn lựa một giải pháp uy tín để bảo vệ mình và khách hàng.

Về phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ.

Ngày 1.7 tới, theo quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực giao dịch bằng sinh trắc học. Đây cũng là động thái kịp thời của Chính phủ trong việc giúp ngăn chặn sử dụng các tài khoản không chính chủ để phục vụ các mục tiêu lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tiền, bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ mất tiền do các tội phạm lừa đảo gây ra.

Về phía các ngân hàng và trung gian thanh toán hiện nay cũng đã liên tục gửi cảnh báo nâng cao đến tất cả khách hàng, khuyến nghị phải nâng cao cảnh giác, đồng thời sẵn sàng “chạy nước rút” để bổ sung xác thực sinh trắc học từ ngày 1.7 nhằm tăng đảm bảo an toàn, bảo vệ thông tin tài chính của người dùng.

Nguồn: Laodong.vn

You might also like