Cách ngăn trẻ xem nội dung không phù hợp trên TikTok

TikTok đã trở thành một nền tảng giải trí phổ biến, đặc biệt là đối với giới trẻ. Tuy nhiên, sự phổ biến này đi kèm với nhiều thách thức, nhất là việc bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung không phù hợp.

Cách ngăn trẻ xem nội dung không phù hợp trên TikTok

Để giải quyết vấn đề này, TikTok đã cung cấp nhiều công cụ kiểm soát mạnh mẽ cho phụ huynh. Dưới đây là các biện pháp mà phụ huynh có thể áp dụng để đảm bảo con em mình sử dụng TikTok một cách an toàn và lành mạnh.

Tính năng “Ghép nối gia đình”

Giống như nhiều mạng xã hội, TikTok cho phép phụ huynh liên kết tài khoản của họ với tài khoản của con cái thông qua tính năng “Ghép nối gia đình”.

Sau khi ghép nối, phụ huynh có thể kiểm soát nhiều khía cạnh trong việc sử dụng ứng dụng của con mình. Họ có thể đặt giới hạn thời gian sử dụng TikTok mỗi ngày, giúp quản lý thời gian trực tuyến của trẻ một cách hiệu quả.

Ngoài ra, phụ huynh còn có thể nhận được báo cáo tóm tắt về lượng thời gian mà con mình đã dành cho ứng dụng này.

Quản lý thông báo đẩy

TikTok cung cấp cho phụ huynh khả năng tắt tiếng thông báo đẩy của con em mình. Theo mặc định, TikTok tắt tiếng thông báo dành cho thanh thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi từ 21 tối đến 8h sáng.

Điều này giúp trẻ có thể tập trung vào giấc ngủ và các hoạt động học tập buổi tối mà không bị phân tâm bởi các thông báo từ ứng dụng. Phụ huynh cũng có thể tùy chỉnh khoảng thời gian tạm dừng thông báo để phù hợp với lịch trình sinh hoạt của gia đình.

Hạn chế nội dung cụ thể

Một trong những điểm mạnh của TikTok so với các nền tảng khác là khả năng phụ huynh có thể giới hạn các loại nội dung mà con em mình tiếp cận.

Phụ huynh có thể chọn từ khóa hoặc thẻ hashtag để loại trừ các nội dung không mong muốn khỏi nguồn cấp dữ liệu của trẻ. Bên cạnh đó, họ cũng có thể kích hoạt “Chế độ hạn chế” để tự động hạn chế trẻ tiếp xúc với các nội dung không phù hợp hoặc có hại.

Phụ huynh có nhiều cách khác nhau để quản lý thông tin mà trẻ nhỏ xem trên TikTok. Ảnh: Chụp màn hình

Kiểm soát tìm kiếm và đề xuất tài khoản

Phụ huynh có thể quyết định liệu con mình có thể tìm kiếm video, hashtag hoặc video trực tiếp trên TikTok hay không. Điều này giúp ngăn chặn trẻ tiếp cận với những nội dung không mong muốn qua công cụ tìm kiếm của ứng dụng.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể kiểm soát liệu tài khoản của con mình có được đề xuất cho người dùng khác hay không, giúp bảo vệ sự riêng tư và an toàn cho trẻ.

Quản lý tương tác xã hội

Phụ huynh có thể kiểm soát ai có thể nhận xét về video của con mình và ai có thể xem những nội dung mà trẻ thích. Điều này giúp ngăn chặn các tương tác không mong muốn và bảo vệ trẻ khỏi những bình luận tiêu cực hoặc không phù hợp.

Về mặt tin nhắn trực tiếp (DM), phụ huynh có thể hạn chế người có thể nhắn tin cho con mình hoặc tắt hoàn toàn tính năng nhắn tin trực tiếp. Điều này đặc biệt quan trọng vì DM trên TikTok chỉ khả dụng đối với các tài khoản thuộc về người dùng từ 16 tuổi trở lên.

Những biện pháp kiểm soát trên không chỉ giúp bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung không phù hợp mà còn tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh có thể quản lý và theo dõi hoạt động trực tuyến của con em mình một cách hiệu quả.

Nguồn: Laodong.vn

You might also like