Xu hướng công nghệ 2024 và cơ hội cho Việt Nam
Các xu hướng công nghệ toàn cầu năm 2024 mở ra cho Việt Nam 3 cơ hội về việc chuyển giao công nghệ, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cơ hội của Việt Nam
Ngày 10.7, tại Trung tâm Triển lãm Hội nghị quốc tế Sky Expo Việt Nam (TPHCM), Diễn đàn công nghệ quốc tế iTECH Expo 2024 với chủ đề công nghệ mới cho kỷ nguyên mới đã khai mạc.
Sự kiện do Hội Tin học TPHCM (HCA) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TPHCM.
Tại hội thảo, bên lề sự kiện, ông Nguyễn Công Ái -Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán KMPG – đã nêu bật cơ hội của Việt Nam trước 3 xu hướng công nghệ chính trong năm 2024 gồm: Công nghệ bền vững; AI, điện toán đám mây và điện toán lượng tử; cách mạng hóa các cuộc công nghiệp.
“Xu hướng công nghệ toàn cầu đã tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao, trong đó có sản xuất chất bán dẫn” – ông Công Ái chia sẻ trong phần trình bày.
Theo thống kê từ Statista và nghiên cứu của KMPG, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kể trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 2023 – 2028 là 14,1%, nhờ vào nguồn vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ tăng nhanh và cam kết đầu tư gần 5 tỉ USD từ các công ty nước ngoài vào thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam.
Việt Nam đã khẳng định vị trí top đầu về thị trường chất bán dẫn, là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 9 trên thế giới và chiếm 2% thị phần tổng kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn toàn cầu năm 2022.
Trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần toàn cầu về xuất khẩu chất bán dẫn.
Việt Nam cũng trở thành điểm sáng đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực sản xuất và công nghệ.
Đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ và thông tin đang tăng trưởng ở tốc độ tăng trưởng kép 2020 – 2023 là 15.4%, nhưng tỉ trọng còn nhỏ; thông qua các chính sách đầu tư hấp dẫn của Việt Nam để thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực công nghệ, đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ và thông tin tăng trưởng nhanh.
Ngoài ra, việc hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Qualcomm, Bosch… đã mở ra cho Việt Nam cơ hội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dấu ấn của Việt Nam
Để đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của các xu hướng công nghệ toàn cầu, Việt Nam đã vạch ra những chính sách toàn diện cho lĩnh vực công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Hiện nay, Việt Nam có 143 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành công nghệ thông tin. Theo thống kê năm 2023, số lượng sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin là 54.342 người.
Các trường đại học, cao đẳng đào tạo công nghệ thông tin cũng bổ sung thêm các chuyên ngành mới để phù hợp với xu hướng công nghệ toàn cầu như AI và an ninh mạng. Điều này giúp tăng chất lượng và nguồn cung của nhân lực công nghệ thông tin có tay nghề cao trên thị trường.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghệ số.
Đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đã tăng ổn định, với thị trường dữ liệu tăng trưởng ở tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 2019 – 2023 là 1,3%. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu sử dụng các giải pháp dữ liệu lớn, IoT và các giải pháp điện toán đám mây từ doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, fintech, năng lượng…
Ngoài ra, Việt Nam thành lập các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) của các công ty công nghệ trong và ngoài nước.
Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có các trung tâm R&D trên cả nước của các công ty lớn như Samsung, Qualcomm, LG, Viettel, FPT…
Nguồn: Laodong.vn