Khai tử điện thoại cục gạch 2G, người già dùng dòng máy nào?
Nhiều người cao tuổi hoang mang khi những dòng điện thoại cục gạch 2G có nguy cơ không thể hoạt động từ ngày 16.9.2024.
Theo kế hoạch, Việt Nam chính thức tắt sóng 2G từ ngày 16.9.2024. Thời điểm này, nếu người dân vẫn sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G (2G only) thì có nguy cơ không thể sử dụng dịch vụ.
Sau khi đọc được thông tin về lộ trình tắt sóng 2G, nhiều người dân đã chủ động đổi sang các dòng điện thoại hỗ trợ 3G/4G/5G. Bên cạnh đó, có không ít người dân tỏ ra hoang mang khi phải đổi điện thoại sang các dòng “xịn” hơn.
Anh Bùi Việt Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con trai 14 tuổi của anh hiện đang dùng điện thoại cục gạch 2G Nokia 1280. “Gia đình muốn con sử dụng dòng điện thoại này để tập trung học tập, tránh việc sử dụng điện thoại thông minh và lướt mạng, chơi game suốt ngày” – anh Việt Anh nói.
Khi có thông tin tắt sóng 2G, anh Việt Anh và vợ phân vân không biết có nên cho con sử dụng điện thoại thông minh hay không, bởi những chiếc điện thoại này đều có giá trị cao và có thể khiến con xao nhãng học tập.
Trong khi đó, chị Hoàng Thị Hằng (Ba Đình, Hà Nội) cũng không biết nên đổi điện thoại mới cho bố sang dòng nào, bởi hàng chục năm nay, bố chị chỉ quen sử dụng dùng điện thoại cục gạch. Việc sử dụng điện thoại thông minh dường như là không thể đối với bố chị.
“Thời điểm mới mua chiếc máy cục gạch cho bố, tôi phải hướng dẫn rất lâu bố mới nhớ cách mở máy và tìm danh bạ để gọi. Còn đến hiện tại, bố tôi vẫn chưa biết cách nạp tiền điện thoại. Sắp tới nếu máy cục gạch 2G bị khai tử, chắc mỗi khi muốn liên lạc với bố tôi lại phải thông qua người khác” – chị Hằng nói.
Không chỉ anh Việt Anh, chị Hằng, rất nhiều người đang có suy nghĩ sau khi khai tử điện thoại cục gạch 2G, người dân sẽ buộc phải sử dụng điện thoại thông minh thì mới hòa mạng 3G/4G/5G.
Thế nhưng thực tế, trên thị trường vẫn có các dòng điện thoại phím bấm – feature phone (điện thoại phổ thông phục vụ nhu cầu nghe, gọi cơ bản) hỗ trợ 3G/4G/5G.
Tại tọa đàm “Tắt sóng 2G người dân cần chuẩn bị gì?”, ông Lê Đắc Kiên – Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone cho biết, đơn vị đã mua sắm thiết bị đầu cuối smartphone giá rẻ, feature phone 3G, 4G. Người dân có thể hoàn toàn yên tâm do việc trải nghiệm những điện thoại này giống máy feature phone cũ.
Để thuận tiện cho khách hàng khi nâng cấp lên điện thoại 4G, VinaPhone thiết kế các gói cước hấp dẫn kèm theo điện thoại 4G miễn phí cho khách hàng.
Ông Bùi Sơn Nam – Phó Tổng Giám đốc MobiFone cho hay, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên smartphone, hỗ trợ gói cước, tham gia cùng các chuỗi bán lẻ thiết bị để hỗ trợ chuyển đổi. Thêm vào đó, triển khai các chương trình hỗ trợ máy feature phone 4G.
“Với khách hàng có điều kiện, họ có thể chuyển đổi lên smartphone. Với người không có điều kiện kinh tế, họ có thể chuyển sang máy feature phone 4G được hỗ trợ miễn phí” – ông Bùi Sơn Nam cho hay.
Ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cho biết, đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, việc đổi máy vài trăm nghìn đồng cũng là vấn đề lớn. Các nhà mạng cũng đã có giải pháp, dù không thể hỗ trợ 100% số máy cho người dùng.
Với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, Bộ TTTT cũng đã làm việc với UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị các Sở TTTT đề xuất với UBND sử dụng nguồn vốn, tài trợ hợp pháp trên địa bàn để phối hợp với nhà mạng hỗ trợ. Một số tỉnh đã triển khai nội dung này.
Nguồn: Laodong.vn