ASAT hạt nhân của Nga: Mối lo ngại mới trong cuộc đua vũ trang

Nga đang phát triển tên lửa chống vệ tinh (ASAT) mang đầu đạn hạt nhân và bác bỏ nghị quyết kiểm soát vũ khí vũ trụ.

ASAT hạt nhân của Nga: Mối lo ngại mới trong cuộc đua vũ trang

Theo Forbes, hai động thái mới của Nga liên quan đến phát triển tên lửa chống vệ tinh mang đầu đạn hạt nhân và bác bỏ nghị quyết kiểm soát vũ khí vũ trụ mới tại Liên Hợp Quốc đều bị Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan lên án.

Mối quan hệ giữa hai cường quốc đang báo hiệu một cuộc xung đột mới – các chuyên gia quốc phòng tại các trường đại học, viện nghiên cứu và quân đội Mỹ cho biết.

Theo các chuyên gia, nếu Nga phóng ASAT mang đầu đạn hạt nhân, thiết bị này sẽ bay quanh Trái đất và có khả năng tấn công vệ tinh của các đồng minh NATO đang hỗ trợ Ukraina. Điều này sẽ khiến hai bên tiến gần hơn đến cục diện đối đầu trực tiếp.

Các nhà khoa học quốc phòng đã thử nghiệm mô hình mô phỏng chiến tranh hạt nhân để dự đoán hậu quả của việc kích nổ một đầu đạn hạt nhân trong quỹ đạo Trái đất.

Kết quả cho thấy, nó có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các vệ tinh, tàu vũ trụ có người lái, trạm vũ trụ và phi hành gia.

Hình ảnh mô phỏng Trạm Vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Victoria Samson, Giám đốc điều hành Tổ chức An ninh Vũ trụ (SSS) tại Washington, cho biết: Nếu Nga kích nổ một quả bom hạt nhân tương đối mạnh ở khu vực gần Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hoặc Trạm Vũ trụ Trung Quốc, sẽ rất nguy hiểm cho các phi hành gia.

Bà Samson chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Các phi hành gia có thể phải sơ tán khẩn cấp, những con tàu vũ trụ được kết nối với trạm cũng có thể bị hư hại bởi vụ nổ”.

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin phủ nhận việc bí mật chế tạo tên lửa chống vệ tinh (ASAT) hạt nhân, nhưng những động thái gần đây của Nga khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Chuyên gia an ninh vũ trụ hàng đầu của Mỹ, Victoria Samson cho biết, Nga có thể đã cải tiến tên lửa đánh chặn phòng thủ – vốn dùng để bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa – thành ASAT mang đầu đạn hạt nhân.

Lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang trong không gian, Mỹ, Nhật Bản và hơn 60 quốc gia khác đã đề xuất một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kêu gọi các nước tái khẳng định cam kết với Hiệp ước không gian 1967. Tuy nhiên, Nga đã phủ quyết nghị quyết này.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Jake Sullivan chỉ trích Nga đang đi ngược lại với tuyên bố không triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian của Tổng thống Putin.

Nguồn: Laodong.vn

You might also like