Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo sử dụng AI

Những chiêu trò lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được các đối tượng thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, do đó người dân cần nâng cao cảnh giác.

Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo sử dụng AI

Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đã có rất nhiều công ty lớn tham gia vào cuộc đua phát triển AI, mang đến cho người dùng nhiều công cụ hữu ích có thể hỗ trợ nhiều tác vụ cho công việc hàng ngày như soạn thảo văn bản, tạo hình ảnh, cung cấp thông tin, sao chép gương mặt, giọng nói.

Chất lượng cũng như độ hiệu quả ngày càng được đánh giá cao và hầu hết những dịch vụ này được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Chính vì vậy, nhiều kẻ xấu đã nhân cơ hội này để sử dụng những công cụ ấy cho mục đích lừa đảo.

Dưới đây là một số hình thức lừa đảo được áp dụng AI và những cách đối phó khi gặp phải mà bạn nên biết.

Sao chép giọng nói để giả dạng người thân

Với những tiến bộ về công nghệ trong những năm gần đây, AI có thể tạo ra một giọng nói mới chỉ bằng vài giây âm thanh được cung cấp.

Điều đó có nghĩa, nó có thể sao chép giọng nói của bất cứ người nào đã từng đăng tải công khai những video, đoạn âm thanh trong đó có chứa giọng nói của họ.

Kẻ xấu sẽ sử dụng công nghệ này để sao chép giọng nói người thân của các nạn nhân và kết nối với họ bằng những cuộc gọi có nội dung chủ yếu là yêu cầu sự trợ giúp. Vì vậy ai cũng có thể là nạn nhân của hình thức lừa đảo này.

Hãy luôn cảnh giác với những số điện thoại lạ vì đaay là thứ mà các đối tượng sử dụng để kết nối với bạn.

Đối với những số máy không xác định, thông thường chúng ta sẽ bỏ qua hoặc nhấc mấy rồi kết thúc cuộc gọi ngay lập tức khi biết đầu dây bên kia không phải người mình biết.

Tuy nhiên khi nhận thấy một vài dấu hiệu giống với người thân, ta sẽ bắt đầu dành thời gian cho cuộc gọi và đây chính là lúc bị sập bẫy.

Khi gặp phải tình huống như vậy, để tránh bị lừa, điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh và giao tiếp với đối tượng như cách thường làm với người thân của mình để xác minh. Nếu có những dấu hiệu bất thường thì đấy chính là lừa đảo.

Gửi email và tin nhắn được cá nhân hóa

Những kẻ lừa đảo đã tận dụng những lỗ hổng bảo mật từ các tổ chức để lấy được thông tin cá nhân của người dùng.

Từ đó chúng sử dụng AI để tạo ra hàng loạt văn bản với nội dung giống nhau và được điều chỉnh thông tin khớp với từng cá nhân.

Những văn bản ấy thường tồn tại dưới dạng email hoặc tin nhắn với nội dung quảng cáo hoặc thông báo đóng tiền. Nạn nhân sẽ bị sập bẫy khi ấn vào những đường link hoặc tệp đính kèm.

Để đối phó với điều này, điều duy nhất có thể làm là nâng cao cảnh giác. Trước khi quyết định ấn vào bất cứ thứ gì trong email hoặc tin nhắn đang đọc, hãy tự xác thực danh tính của người gửi hoặc có thể hỏi ý kiến của những người xung quanh để đảm bảo độ uy tín của địa chỉ đó.

Giả dạng khuôn mặt

Hình thức lừa đảo này có cách thức vận hành gần giống với giả dạng giọng nói qua các cuộc gọi, tuy nhiên nó tinh vi hơn rất nhiều.

Công nghệ có tên là Deepfake được quản lý bằng AI có khả năng mô phỏng hình ảnh khuôn mặt con người. Nó có thể thay thế một cách nhanh chóng khuôn mặt của một hay nhiều người trong một bức ảnh hay đoạn video thành những khuôn mặt khác được cung cấp theo yêu cầu của người sử dụng.

Kể cả những video có nhiều hành động phức tạp, Deepfake vẫn có khả năng ghép mặt một cách trơn tru.

Những kẻ lừa đảo sử dụng hình thức này sẽ tống tiền nạn nhân không chỉ bằng những cuộc gọi mà chúng còn có nhiều thủ đoạn phức tạp hơn.

Chúng sẽ sử dụng hình ảnh của đối tượng theo dõi vào những hình ảnh hay video có nội dung phản cảm rồi gửi cho nạn nhân qua bất cứ đâu; email, số điện thoại, những nền tảng mạng xã hội. Sau đó chúng đe dọa phát tán nếu nạn nhân không giao nộp một số tiền nhất định theo yêu cầu.

Khi gặp phải trường hợp này, hãy báo cảnh sát vì đó không chỉ là lừa đảo mà còn bị xếp vào tội quấy rối.

Nguồn: Laodong.vn

You might also like