Chính phủ Nhật Bản ngừng sử dụng đĩa mềm
Theo AFP, Chính phủ Nhật Bản cuối cùng đã loại bỏ việc sử dụng đĩa mềm trong nhiều quy trình hành chính, qua đó tiến thêm một bước trong quá trình chuyển đổi số.
Dù đã được kêu gọi từ rất lâu, nhưng phải đến năm 2024, Chính phủ Nhật Bản mới chính thức chia tay những chiếc đĩa mềm – công nghệ rất lỗi thời hiện nay. Ngoài đĩa mềm, các quy định này cũng được Chính phủ Nhât Bản áp dụng cho CD-ROM.
Đến tận cuối tháng 8.2023, Chính phủ Nhật Bản vẫn có gần 1.900 thủ tục yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp phải nộp biểu mẫu hoặc đơn đăng ký ở định dạng vật lý như đĩa CD hoặc đĩa mềm. Điều này đi ngược lại lại với xu thế chung của thế giới trong bối cảnh đĩa mềm không còn nhiều hữu dụng bởi dung lượng lưu trữ rất hạn chế và độ tin cậy không cao. Ngoài ra, kể từ năm 2011, đã không còn chiếc đĩa mềm nào được sản xuất tại Nhật Bản.
Đĩa mềm được IBM ra mắt từ năm 1971 với kích thước 8 inch. Đến năm 1983, Sony giới thiệu loại đĩa 3,5 inch, với dung lượng thường là 1,44 MB. Đây là phiên bản được sử dụng phổ biến trên máy tính những năm 1990. So với các nước khác, Nhật Bản loại bỏ đĩa mềm khá muộn dù nó rườm rà và lỗi thời.
Chẳng hạn, vào tháng 12.2021, tờ báo Nhật Bản The Mainichi đưa tin, Sở Cảnh sát Thủ đô đã làm mất hai đĩa mềm chứa thông tin cá nhân của 38 người đã nộp đơn xin nhà ở công cộng ở Tokyo. Sau đó, phía cảnh sát đã phải lên tiếng xin lỗi 38 người này.
Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản Taro Kono – người đã coi việc hiện đại hóa chính quyền là sứ mệnh của mình – đã phải hết sức kiên trì để công nghệ lỗi thời này cuối cùng cũng chìm vào dĩ vãng.
Theo AFP, quá trình chuyển đổi số của Chính phủ Nhật Bản sẽ không thể diễn ra trong một sớm, một chiều. Ngoài việc loại bỏ đĩa mềm, Nhật Bản cũng đang áp dụng thẻ căn cước kỹ thuật số, để đơn giản hóa cuộc sống của người dân.
Trong tương lai, Nhật Bản cũng có thể loại bỏ máy fax.
Nguồn: Laodong.vn