Djokovic trong khát khao cuối cùng về huy chương vàng
Tất cả đều thấy, thời gian đang khiến Novak Djokovic chậm lại, nhưng không bao giờ nên sớm gạch tên anh ra khỏi cuộc đua.
Ám ảnh huy chương vàng Olympic
Một ngày sau lễ khai mạc Olympic 2024, cùng nhiều môn thi đấu khác, quần vợt sẽ khởi tranh tại Thế vận hội mùa hè này. Với quần vợt nam tại Olympic 2024, người ta thấy có những huyền thoại như Rafael Nadal, Novak Djokovic, Andy Murray, tuy nhiên, trong số họ, chỉ có Nole được xếp vào danh sách ứng viên giành Huy chương Vàng. Điều thú vị là, Nadal – 38 tuổi, Murray – 37 tuổi, đều đã có Huy chương Vàng Olympic (tay vợt người Anh thậm chí còn chiến thắng 2 lần), trong khi với Djokovic, màu vàng của tấm huy chương vẫn là nỗi ám ảnh.
Như người ta vẫn nói, trong sự nghiệp của mình, “Djokovic đã có mọi thứ, nhưng vẫn thiếu một thứ”. “Mọi thứ”, với anh, là những mặt trận chính thức của ATP Tour, với 98 danh hiệu từ cấp độ ATP 250 cho đến Grand Slam. Với 24 Grand Slam hiện tại, Djokovic là một trong những tay vợt nam vĩ đại của quần vợt thế giới. Thế nhưng, thứ còn thiếu mới là điều ám ảnh tay vợt người Serbia nhất – Huy chương Vàng Olympic.
Djokovic có thể giành 1 hoặc nhiều Grand Slam trong một năm trên hành trình sự nghiệp của mình, nhưng ở Olympic, 4 năm mới có một cơ hội. Và bằng cách nào đó, một huyền thoại như Nole mà thành tích tốt nhất ở đấu trường này lại chỉ là tấm Huy chương Đồng – tại Olympic Bắc Kinh 2008.
Năm đó, Nadal là người chiến thắng trong trận chung kết sau khi vượt qua chính Djokovic ở bán kết. Năm đó, Djokovic mới 21 tuổi. Vẫn còn nhiều thời gian. Thấm thoắt thoi đưa, 16 năm trôi qua, trong khi Djokovic dần khẳng định vị thế trong cuộc đua với Roger Federer và Nadal trong nhóm “Big Three” bằng những chiến thắng liên tiếp tại các giải major, bằng những trận đấu kinh điển về bản lĩnh và ý chí, Thế vận hội mùa hè vẫn như cái dằm nằm sâu trong bàn chân, vẫn gây nhức nhối ở mỗi bước đi.
4 năm sau tấm Huy chương Đồng, tại London, Djokovic xếp hạng tư. Kết quả này lặp lại ở Olympic Tokyo 2020, thậm chí ở cả nội dung đơn nam lẫn đôi nam-nữ. Xen giữa 2 sự kiện đó, Nole huyền thoại bị loại ngay ở vòng 1 dù là hạt giống số 1. Người loại anh là Juan Martin del Potro, tay vợt thi đấu với suất bảo vệ thứ hạng và thẳng tiến vào chung kết – nơi anh gục ngã trước Murray.
Nếu có điều gì đó an ủi Djokovic thì đó là việc Federer cũng chưa bao giờ – và không bao giờ, giành Huy chương Vàng đơn nam môn quần vợt tại Olympic (dù từng có Huy chương Vàng đôi nam năm 2008). Câu hỏi đặt ra là, vì sao ngoài Murray, Nadal, cả tay vợt hạt giống số 10 như Nicolas Massu (2004), hay hạt giống số 4 như Alexander Zverev (2020) có thể giành Huy chương Vàng Olympic mà Djokovic lại không thể, kể cả khi thi đấu trên mặt sân cứng hay sân cỏ.
Nó giống câu chuyện không ai có thể hoàn hảo cả – như Achilles với điểm yếu ở gót chân, Djokovic phải gặp rắc rối ở đâu đó, yếu đuối ở mặt trận nào đó, để những cuộc tranh cãi về việc giữa anh và Federer cùng Nadal, ai là GOAT (Vĩ đại nhất mọi thời đại) tiếp tục kéo dài đến nhiều thế hệ sau.…
Sức mạnh cuối cùng
16 năm trôi qua kể từ Huy chương Đồng tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Djokovic đến Pháp dự Olympic 2024 khi đã 37 tuổi. Phần lớn đều tin chắc rằng, đây là Thế vận hội cuối cùng của tay vợt người Serbia. Cơ hội cuối cùng để Djokovic chạm tay, được quàng lên cổ tấm huy chương có màu vàng. Trên mặt sân đất nện.
Cùng với đó, cũng không kém về số lượng những nhận định khả năng thất bại một lần nữa của Djokovic tại Olympic sau khi chứng kiến những gì anh thể hiện ở nửa đầu mùa giải 2024. Djokovic không vào chung kết một giải đấu nào cho đến trước Wimbledon. Hơn thế nữa, giới chuyên môn chỉ ra rằng, một yếu tố quan trọng khiến Djokovic thường gặp khó ở Olympic là các trận đấu chỉ đánh tối đa 3 set.
Djokovic thường nhập cuộc chậm ở những trận quan trọng – năm 2008, bị Gael Monfils và Nadal dẫn trước ở tứ kết và bán kết; năm 2012, có 3/5 trận bị đối thủ dẫn trước; năm 2016 thì thua luôn 2 set; năm 2021 bị dẫn trước ở trận tranh Huy chương Đồng. Bản lĩnh và ý chí của Djokovic thường phát huy ở các giải đấu 5 set như Grand Slam.
Nhưng liệu tuổi cao và thể thức thi đấu có tổng hòa để gạch tên Djokovic ra khỏi cơ hội cạnh tranh tại Paris 2024? Tất cả đều có quyền đưa ra nhận định, nhưng có dấu hiệu cho thấy, không đánh giá cao Djokovic trên mặt sân đất nện tại Roland Garros có thể sẽ là sai lầm.
Cũng tại Roland Garros cách đây khoảng 6 tuần, Djokovic phải rút lui vì chấn thương đầu gối – vị trí chấn thương mang đến sự lo ngại thực sự cho sự nghiệp của anh. Đầu tháng 6, Djokovic phải phẫu thuật và 37 ngày sau, anh vào chơi trận chung kết Wimbledon 2024. Khó tin nhưng hoàn toàn là sự thật.
Cho dù cuối cùng Djokovic thất bại trước Carlos Alcaraz trên sân cỏ ở London, sự có mặt tại chung kết là yếu tố đảm bảo rằng, ở tình thế ngặt nghèo hoặc bị đẩy vào chân tường, Nole luôn phóng thích được những gì tốt nhất của mình. Vậy nên, ở Olympic 2024, không gì là không thể với Djokovic.
Tất nhiên, dù anh kết thúc theo cách nào – vinh quang tìm đến hay vẫn là sự dở dang, người ta lại có nhiều điều để nói, để kể, để viết về một trong những biểu tượng của làng quần vợt thế giới.
Nguồn: Laodong.vn