Hướng dẫn cách đặt căn cước công dân đúng vị trí chip NFC của 750 smartphone hiện nay
Việc xác định đúng vị trí của chip NFC (Near-Field Communications), sẽ giúp người dùng dễ dàng đặt căn cước công dân (CCCD) vào đúng vị trí, qua đó dễ dàng hoàn thành việc xác thực sinh trắc học.
NFC là công nghệ phổ biến trên thế giới nhưng chưa được quá nhiều người Việt Nam biết đến. NFC là công nghệ hiện đại được tích hợp trên các thiết bị thông minh giúp hỗ trợ người dùng kết nối, truyền tập tin như danh bạ, hình ảnh, file nhạc, video, ứng dụng,… một cách nhanh chóng.
Những ngày qua, người dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình xác thực sinh trắc học. Họ không biết chính xác vị trí của chip NFC trên smartphone của mình ở đâu, do đó không thể đặt đúng CCCD để điện thoại có thể đọc được thông tin trên thẻ.
Một số trang hướng dẫn cách bật NFC và đặt smartphone, tuy nhiên nó không đầy đủ, bởi với từng dòng điện thoại thông minh, vị trí của NFC rất khác nhau. Do đó, các chuyên gia của công ty công nghệ Kalapa đã tạo ra 1 trang hướng dẫn tại địa chỉ https://nfc-guides.kalapa.vn/. Thông qua đó, nó sẽ giúp người dùng đặt CCCD chính xác với NFC, giúp smartphone đọc thông tin hiệu quả nhất.
Tại trang này, các chuyên gia đã cập nhật vị trí NFC của 13 thương hiệu smartphone lớn tại Việt Nam với 750 mẫu khác nhau từ Apple, Xiaomi, Samsung, Honor, Oppo… Người dùng chỉ cần chọn dòng smartphone và hãng, bấm kiểm tra để tìm ra vị trí có chip NFC trên điện thoại để đặt thẻ. Kết quả kèm ảnh minh họa giúp người dùng dễ hình dung vị trí chính xác.
Bên cạnh đó, trang web còn có video hướng dẫn người dùng cách quét chip điện tử trên CCCD đối với các smartphone chạy hai hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Android và iOS.
“Trong lúc này, vẫn còn những người dùng chưa biết cách quét CCCD gắn chip. Bằng kinh nghiệm của các kỹ sư tại KLP, chúng tôi mong muốn cung cấp thêm công cụ hỗ trợ hướng dẫn người dùng cách hoàn thiện việc xác thực CCCD. Chúng tôi hi vọng rằng, có thể góp một phần nhỏ vào việc chung của cả xã hội bây giờ: thúc đẩy số hóa và ngăn chặn gian lận lừa đảo qua mạng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Tuyến Nhung – CEO của Kalapa cho biết.
Nguồn: Laodong.vn