Khi hoa tiêu nằm gọn trong túi quần
Sau gần 20 năm từ khi ra mắt, Google Maps đã trở thành một ứng dụng quen thuộc, tới mức gần như ai sở hữu điện thoại thông minh đều đã từng sử dụng nó để tìm đường.
Lớn lên giữa lòng Hà Nội, nhưng sự phát triển chóng mặt của thành phố khiến chị Thu Hương (28 tuổi, sống tại quận Đống Đa) không sao ghi nhớ những cung đường mới được. Dù là dân Hà Nội chính gốc, chị vẫn thường xuyên phải “cầu cứu” Google Maps mỗi khi có việc phải đi tới những khu vực “lạ” trong thành phố.
“Tuy sinh ra và lớn lên tại đây, nhưng thành phố thay đổi quá nhanh chóng. Nhiều khu vực, con đường mới mọc lên khiến tôi không thể ghi nhớ hết được nếu phải đi quá xa khu vực nhà mình”, chị Hương chia sẻ.
Trường hợp của chị Hương không phải là hiếm, rất nhiều người sinh sống tại các thành phố lớn hiện nay đều gặp tình trạng tương tự. Ngay cả với nhiều người lớn tuổi, các dịch vụ, ứng dụng bản đồ đang ngày càng quan trọng mỗi khi ra đường.
Thoát khỏi ranh giới của một tấm bản đồ
Nhiều năm trước, việc tự lái xe tới một khu vực xa lạ là nỗi khiếp sợ với nhiều người. Để xác định được đúng con đường cần đi, người lái xe cần phải có kinh nghiệm trong việc đọc bản đồ, hoặc có một người đồng hành đọc được bản đồ để chỉ đường. Tuy nhiên, với những chuyến đi không quá xa, việc xác định điểm đến và đường đi đôi khi là không thể, và người ta thường mất nhiều thời gian “lần mò” để tìm được tới nơi. Google Maps ra đời vào ngày 8.2.2005, được ra mắt cho máy tính để bàn như một giải pháp mới giúp mọi người khắp thế giới “đi từ điểm A đến điểm B” một cách đơn giản nhất. Ngày nay, Google Maps được hơn 1 tỉ người trên toàn thế giới sử dụng mỗi tháng.
Trước Google Maps, đã có những trang web bản đồ số hóa khác được ra đời, nhưng mãi đến năm 2005, khi dịch vụ của Google được ra mắt, người ta mới sử dụng dạng bản đồ này nhiều hơn. Điều khiến Google Maps được biết tới nhiều và dần dần chiếm được cảm tình của người dùng là tính năng chỉ đường. Thay vì chỉ thể hiện 1 bản đồ kỹ thuật số với khả năng thu phóng, Google đã làm cho ứng dụng của mình hữu ích hơn khi xử lý thông tin quãng đường và chỉ cho người dùng con đường ngắn và tiện lợi nhất để đi tới đích. Sau này, hãng cũng cung cấp thêm nhiều tính năng được người dùng ưa thích như chế độ xem Phố (Street view), khả năng cảnh báo tắc đường với tin tức giao thông, Google Earth và nhiều tính năng khác.
John Hanke, đồng sáng lập Keyhole và Phó Chủ tịch bộ phận không gian địa lý của Google cho đến năm 2011, từng chia sẻ với tờ The Guardian: “Mục đích của chúng tôi là tạo ra một bản đồ liền mạch, có thể xem được toàn bộ thế giới – một trái đất mà bạn có thể xem qua màn hình”. Ông cho biết thêm, những người đồng sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page, cho rằng không gian địa lý, bao gồm dữ liệu và thông tin liên quan đến bản đồ và dịch vụ định vị, là yếu tố then chốt trong việc Google định hình thông tin bản đồ khắp thế giới.
Theo thời gian, nhiều tính năng mới được thêm vào để hỗ trợ người dùng trong việc di chuyển. Google Maps từ một trang web đã trở thành một ứng dụng cực kỳ quen thuộc với người dân khắp thế giới, nhất là khi công ty biến nó thành bản đồ ngoại tuyến, giúp người dùng sử dụng không cần mạng internet. Bên cạnh việc chỉ đường, Google Maps còn cung cấp thông tin địa lý, hình ảnh các vùng đất xa lạ cho những người thích khám phá. Bên cạnh đó, hệ thống bản đồ này cũng được tích hợp vào nhiều ứng dụng hiện đại, đưa ra các giải pháp kinh doanh mới cho doanh nghiệp cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể phục vụ cuộc sống của người dùng một cách tốt hơn.
Hoa tiêu thời đại mới
Với người dân Hà Nội nói riêng và người dân sống tại các thành phố lớn nói chung, ứng dụng bản đồ trên điện thoại đang dần dần trở thành một phần tất yếu mỗi khi ra đường. Những con đường đông đúc cùng hàng loạt ngõ nhỏ chằng chịt đang thách thức người dân thành thị trong cuộc sống hàng ngày, khiến họ ngày càng dễ lạc lối khi đi ra đường.
Chia sẻ với Báo Lao Động, bà Hoàng Anh, sinh sống tại quận Đống Đa cho biết: “Hàng ngày tôi chỉ di chuyển từ nhà tới cơ quan làm việc bằng xe máy, thỉnh thoảng là đi bằng tàu điện trên cao. Do đó, tôi rất kém trong việc nhớ đường đi tới các khu vực khác trong thành phố, nhất là khi phải lái ôtô. Do đó, gần như tôi luôn luôn phải sử dụng Google Maps mỗi khi phải đi đâu đó, vì nếu không, tôi rất dễ lạc đường”.
Google Maps với khả năng tìm đường dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, đã trở thành cứu cánh cho những người mới chuyển tới vùng đất mới sinh sống. Chị Minh Phượng, du học sinh tại Praha, Cộng hòa Séc cho biết, ứng dụng này đã giúp cuộc sống của chị khi mới đi du học dễ dàng hơn nhiều. Quen với việc đi xe máy, khi sang phương trời mới, chị đã rất chật vật để làm quen với hệ thống giao thông ở châu Âu.
“Không giống như Việt Nam, chúng ta tra đường đi và tự lái xe tới nơi, hệ thống giao thông ở châu Âu phụ thuộc nhiều vào các phương tiện công cộng như xe bus và tàu điện. Thời gian mới sang nước ngoài, tôi phải dựa rất nhiều vào Google Maps để tìm đường. Cũng may là ứng dụng này được tích hợp cả với hệ thống giao thông công cộng, có thể hướng dẫn người dùng chọn tuyến xe bus, tàu điện phù hợp với điểm đến”, chị Phượng nói.
Nguồn: Laodong.vn