Ngư dân Indonesia dùng trí tuệ nhân tạo để tìm nơi đánh cá

Ngư dân Indonesia đang tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện sản lượng đánh bắt của mình.

Ngư dân Indonesia dùng trí tuệ nhân tạo để tìm nơi đánh cá
Ngư dân Indonesia dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định nơi đánh bắt cá. Ảnh: BRIN

Từ xa xưa, ngư dân Indonesia đã phải dựa vào kinh nghiệm và trực giác của mình để tìm nơi có nhiều cá. Tuy nhiên, họ không bao giờ có thể đoán chắc được sản lượng đánh bắt mỗi ngày.

Tất cả đã thay đổi hai năm trước khi các quan chức từ Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN) giới thiệu một ứng dụng di động dựa trên AI, được thiết kế để giúp loại bỏ tính không chắc chắn trong việc đánh bắt cá.

Ứng dụng này, có tên là NN Marlin, sử dụng công nghệ học máy để xử lý dữ liệu vệ tinh và cảm biến từ xa, từ đó xác định được các ngư trường có trữ lượng cá lớn dựa trên nhiệt độ bề mặt biển và mức độ diệp lục.

Trong khi các quốc gia giàu có khác dựa vào các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ lớn để dẫn dắt sự phát triển AI, BRIN đã hợp tác với các tổ chức công nghệ và nghiên cứu trong và ngoài nước để phát triển các ứng dụng AI phù hợp với nhu cầu cụ thể của Indonesia.

Đến nay, BRIN đã phát triển các ứng dụng AI để nghiên cứu biến đổi khí hậu, dự đoán cháy rừng, giám sát nạn phá rừng ngập mặn và cải thiện công tác quản lý thiên tai. Mặc dù mức đầu tư và việc áp dụng AI ở Indonesia vẫn chậm hơn so với các nước láng giềng như Malaysia và Singapore, BRIN đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách này.

Ngoài ra, BRIN còn giúp tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới quốc gia bằng cách đảm bảo rằng sự phát triển AI có sự tham gia của các nhà khoa học và nhà nghiên cứu địa phương, từ đó duy trì lợi ích quốc gia.

Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Kearney, AI có thể đóng góp gần 1 nghìn tỉ đô la vào GDP của Đông Nam Á vào năm 2030 và thúc đẩy GDP của Indonesia tăng khoảng 12%.

AI được xem là chìa khóa để Indonesia đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được “tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững hơn”, Teguh Prayogo – một nhà nghiên cứu tại BRIN – chia sẻ.

Ngoài việc hỗ trợ ngư dân, NN Marlin còn được sử dụng để phát hiện hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và theo dõi các tàu cá nước ngoài.

Indonesia, quốc gia có quần đảo lớn nhất thế giới, mất ít nhất 3 tỉ đô la mỗi năm do các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, theo ước tính của các cơ quan chức năng. Teguh cho biết, BRIN đang tìm ra cách sử dụng AI để phát hiện các hoạt động bất hợp pháp và đáng ngờ một cách hiệu quả hơn.

BRIN cũng ứng dụng máy học để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật. Gần đây, cảnh sát Bắc Sumatra đã sử dụng công nghệ cảm biến từ xa trong một ứng dụng do BRIN phát triển để xác định vị trí các cánh đồng cần sa bất hợp pháp. Công nghệ này có thể phân biệt cây cần sa ngay cả khi nó ở giữa rừng thông qua chất lượng ánh sáng phản chiếu từ lá cây.

Nguồn: Laodong.vn

You might also like