Trung Quốc dùng AI giải mã chữ cổ khắc trên xương từ 3.600 năm trước
Các nhà khoa học Trung Quốc đã dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải mã những chữ viết cổ có từ 3.600 năm trước.
Phần mềm này do Tencent Holdings có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) phát triển, đang giúp các nhà nghiên cứu giải mã hiệu quả hơn những dòng chữ được khắc trên xương tiên tri được gọi là “jia gu wen” – một dạng chữ viết lâu đời nhất được sử dụng ở Trung Quốc từ 3.600 năm trước, theo trang SCMP ngày 28.5 đưa tin.
Phần mềm có tên gọi Oracle Bones Corpus do Tencent phát triển dành riêng cho việc nghiên cứu các chữ khắc cổ. Công ty cho biết AI cải thiện “đáng kể” hiệu quả và độ chính xác trong quá trình nhận dạng ký tự, giải quyết khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu chữ viết cổ.
Zhan Shu, người đứng đầu phòng thí nghiệm văn hóa kỹ thuật số tại Tencent, cho biết: “Với Oracle Bones Corpus sẽ giúp tất cả các bên liên quan trong nghiên cứu ký tự cổ cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung. Qua đó ngày càng nhiều xương tiên tri được số hóa và giải mã bí mật của những văn bản cổ này”.
Những dòng chữ khắc trên xương tiên tri giúp làm sáng tỏ nền văn minh Trung Quốc thời kỳ đầu. Cho đến nay, khoảng 4.500 ký tự độc đáo đã được phát hiện từ 16.000 mảnh xương tiên tri được khai quật ở Trung Quốc và các địa điểm khác trên thế giới. Chỉ có 1.500 ký tự trong số này được xác định thành công, khớp với các ký tự Trung Quốc hiện đại.
Nguồn: Laodong.vn