Từ dây cắm chuột máy tính đến cổng sạc tất cả trong một
Trước khi trở thành một loại cổng kết nối được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới, USB từng bị nhiều công ty công nghệ lớn, trong đó có Apple, từ chối sử dụng.
Sau 4 năm sử dụng chiếc iPhone 11, anh Duy Phong, nhân viên ngân hàng sống tại quận Đống Đa, Hà Nội, đã rất háo hức khi vừa đổi mẫu iPhone đời mới nhất trên tay. Tuy ra mắt đã hơn nửa năm, nhưng anh Phong vẫn rất yêu thích và cố gắng mua chiếc điện thoại này chỉ vì một lý do duy nhất: Cổng sạc USB-C.
“Là người hâm mộ lâu năm của Apple, tôi đã chờ đợi rất lâu để cầm trên tay chiếc iPhone có cổng kết nối USB-C. Cổng sạc Lightning riêng của các dòng iPhone trước đây không thể so sánh với USB-C cả về độ tiện lợi và công nghệ truyền thông tin”, anh Phong chia sẻ.
Thật vậy, từ vài năm trở lại đây, USB-C đã trở nên cực kỳ thông dụng khi được tích hợp vào hầu hết các sản phẩm điện tử ở khắp nơi trên thế giới. Từ máy hút bụi cầm tay, máy đọc sách đến sạc điện thoại, máy tính, chuẩn kết nối này ngày càng thể hiện sự tiện lợi và dễ sử dụng của mình.
Từ một chuẩn kết nối bị từ chối
Trước khi trở nên thông dụng trên khắp thế giới, công nghệ kết nối Universal Serial Bus (USB) đã từng bị từ chối bởi nhiều nhà sản xuất máy tính nổi tiếng, trong đó có Apple. Ngược dòng thời gian về ngày 15.11.1995, ngay cả chính công ty của cha đẻ USB là Intel cũng không thể tiên đoán được mình sẽ sở hữu công nghệ kết nối làm thay đổi tương lai.
Trước khi có USB, người ta vẫn thường sử dụng các cổng kết nối như FireWire, PS/2 hay kể cả là Ethernet để truyền thông tin và lệnh tới các thiết bị lưu trữ hay thiết bị ngoại vi khác. Việc sử dụng các thiết bị kết nối với máy tính thời đó rất phức tạp khi có quá nhiều loại chuẩn kết nối khác nhau và mỗi loại máy tính lại hỗ trợ một kiểu cổng kết nối. Muốn gắn chuột? Bạn sẽ cần đến cổng PS/2 hoặc cổng Serial. Còn muốn xài bàn phím, máy tính cần có cổng PS/2, Apple Desktop Bus hoặc DIN. Trong khi đó, để gắn máy in hay máy scan vào PC thì người ta phải dùng cổng parallel vừa to vừa dài, ổ cứng rời thì gắn vào PC bằng cổng SCSI. Chưa hết, thập niên 90 còn có những card âm thanh rời tích hợp cổng game port để kết nối với tay cầm chơi game.
Trước những bất tiện này, một nhân viên của Intel có tên Ajay Bhatt đã nghĩ tới việc tạo ra một tiêu chuẩn có khả năng phổ biến tốt hơn, đơn giản hơn, mạnh mẽ hơn và chi phí thấp. Dù thế, Ajay từng bị hất cho một gáo nước lạnh ngay khi ông nêu ý tưởng của mình cho cấp trên. Đồng thời việc tìm kiếm một khách hàng bỏ tiền để mua phát minh đó cũng là điều không tưởng, bởi không mấy ai cảm thấy hứng thú với một chuẩn kết nối mới, có thể làm mọi thứ trở nên phiền toái hơn. Ông thậm chí đã liên lạc cả những công ty lớn như Apple nhằm tìm cơ hội cho phát minh của mình.
Đến tiêu chuẩn của các thiết bị công nghệ mới
Năm 1995, USB đối diện với một giai đoạn khó khăn khi không thể hợp tác được với Apple. Trong tình thế đó, cứu cánh duy nhất còn lại chính là Microsoft với hệ điều hành Windows. Rất may, Microsoft đã quyết định tham gia vào liên minh sử dụng USB do Intel khởi xướng và tích hợp chuẩn kết nối mới này vào phiên bản Windows 95 ra mắt năm 1996. Tuy nhiên, hành trình của Ajay Bhatt và sản phẩm của ông không hề dễ dàng.
Ban đầu, việc sử dụng chuẩn kết nối USB trên Windows 95 gặp phải nhiều khó khăn và khiến người dùng cảm thấy vô cùng bất tiện. Microsoft đã cố gắng khắc phục bằng việc ra mắt phiên bản OEM Service Release 2.1 cho Windows 95, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Phải đến năm 1998 và 1999, với sự ra mắt của Windows 98 và Windows 98 Second Edition, vấn đề tương thích phần mềm mới được giải quyết triệt để, giúp người dùng trải nghiệm USB dễ dàng hơn.
Không chỉ Microsoft, Apple cũng bắt đầu quan tâm đến USB. Năm 1998, Apple tích hợp chuẩn kết nối này cùng với FireWire trên chiếc iMac G3 của hãng. Chiếc iMac này có đến hai cổng kết nối USB 1.1, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho USB trong ngành công nghiệp máy tính.
Giữa những năm 2000, USB 2.0 trở nên phổ biến và dần thay thế cho nhiều phương tiện lưu trữ khác. Ổ lưu trữ USB, một trong những sản phẩm phổ biến nhất, đã góp phần làm suy yếu sự phổ biến của ổ đĩa mềm và các biến thể như ổ đĩa ZIP, cũng như các phương tiện lưu trữ quang học như CD và DVD. Với USB 2.0, việc lưu trữ dữ liệu trở nên gọn nhẹ, nhanh chóng và linh hoạt hơn. Đồng thời, USB 2.0 cũng mở ra cánh cửa cho các phụ kiện tốc độ cao như adapter Wi-Fi, ổ quang và cổng Ethernet mở rộng.
USB 3.0 ra đời đã đưa chuẩn kết nối này lên một tầm cao mới với tốc độ truyền dữ liệu tối đa lên đến 5Gbps. Điều này giúp người dùng tiết kiệm thời gian sao lưu dữ liệu và tránh tình trạng nghẽn cổ chai đối với các adapter Wi-Fi 802.11ac và Gigabit Ethernet. Nhờ tốc độ cao, người dùng có thể chạy cả hệ điều hành từ ổ đĩa rời bên ngoài, tiện lợi khi cần sửa lỗi máy tính hoặc sử dụng khẩn cấp.
Từ năm 2010, các nhà sản xuất PC bắt đầu thay thế USB 2.0 bằng USB 3.0. Hiện nay, hầu hết các máy tính bán ra đều sở hữu ít nhất một cổng USB 3.0, cho phép sạc nhanh hơn cho smartphone và tablet. Đây là một tính năng quan trọng được nhiều hãng như Asus, Toshiba, Lenovo và HP nhấn mạnh trong sản phẩm của họ. Một số công ty còn triển khai thành công cách sạc thiết bị ngoại vi bằng USB 3.0 mà không cần bật máy tính.
Một trong những yếu tố giúp USB trở thành tiêu chuẩn phổ biến chính là cổng sạc USB Type-C. Năm 2022, Ủy ban châu Âu đã buộc các nhà sản xuất điện thoại thông minh, bao gồm Apple, phải trang bị cổng sạc USB-C tiêu chuẩn cho thiết bị của họ. Quy định này nhằm cắt giảm lãng phí và giúp người tiêu dùng có thể sử dụng một bộ sạc cho nhiều thiết bị, đơn giản hóa cuộc sống hàng ngày.
Từ những khó khăn ban đầu đến sự phát triển vượt bậc, USB đã chứng minh được tính tiện lợi và ưu việt của mình, trở thành chuẩn kết nối không thể thiếu trong thế giới công nghệ hiện đại.
Nguồn: Laodong.vn